(GLO)- Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”. Khắc ghi lời dạy của Bác, các ngành, địa phương trong tỉnh Gia Lai thường xuyên quan tâm, chăm lo đến những “mầm xanh” tương lai của đất nước.

Chú trọng giáo dục kỹ năng 

“Đây là lần đầu tiên em được tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế. Em rất hào hứng với việc luộc trứng không cần nồi, cách nhóm lửa khi trời mưa. Nhờ hoạt động trải nghiệm thực tế mà em có thêm nhiều kỹ năng cần thiết trong cuộc sống”-em Bùi Nguyễn Phúc Duy (lớp 7A, Trường THCS Hùng Vương, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho biết cảm nghĩ sau 2 ngày tham gia chương trình tập huấn kỹ năng “Vượt qua chính mình” do Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức.

Không chỉ Bùi Nguyễn Phúc Duy mà 39 em thiếu nhi trong độ tuổi 8-14 đến từ các huyện, thị xã, thành phố đều có chung cảm nhận như thế sau khi tham gia các hoạt động trải nghiệm. Tại lớp tập huấn, các em được trang bị một số kỹ năng như: tự chăm sóc bản thân và phòng-chống Covid-19; sắp xếp thời gian hợp lý trong ngày và trong tuần. Với tinh thần “vừa chơi vừa học kỹ năng”, các em đã hình thành thói quen tự lập và biết đoàn kết trong làm việc nhóm.

Với thử thách “Chinh phục Kon Ka Kinh”, các em thiếu nhi được tìm hiểu hệ sinh thái rừng, có cơ hội rèn luyện các kỹ năng về dựng lều trại, xác định phương hướng và sơ cứu, băng bó vết thương. Những kiến thức tưởng chừng đơn giản nhưng rất cần thiết cho các em trong trường hợp không có người lớn bên cạnh. Từ sự bỡ ngỡ ban đầu, các em học được cách kết nối với những bạn không quen biết, phối hợp với nhau trong hoạt động chung. Các em đã có một trải nghiệm “khỏe” cả thể chất lẫn tinh thần. Ngoài học kỹ năng, chuyến trải nghiệm đã giúp các em thêm yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà cho các em thiếu nhi tham gia chương trình tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với trẻ em năm 2022. Ảnh: Phan Lài
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà cho các em thiếu nhi tham gia chương trình tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với trẻ em năm 2022. Ảnh: Phan Lài

 

Nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân, mới đây, Liên đội Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) đã tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề phòng-tránh xâm hại trẻ em với sự tham gia của 50 học sinh. Mở đầu buổi ngoại khóa, học sinh được xem 1 video clip về tình huống giả định hành vi xâm hại trẻ em và cùng nhau tìm hiểu xâm hại trẻ em là gì; xâm hại trẻ em sẽ để lại những hậu quả như thế nào, giải pháp ngăn chặn. Các em được giáo viên truyền đạt những kỹ năng phòng tránh và phát hiện những biểu hiện của hành vi xâm hại tình dục thông qua các quy tắc 5 ngón tay. Hoạt động ngoại khóa diễn ra trong khoảng 45 phút, giáo viên đã lồng ghép các nội dung dạy kỹ năng với các trò chơi để các em có hứng thú và dễ tiếp thu. Em Nguyễn Cao Khánh Hằng (lớp 5.1) bày tỏ: “Qua giờ học ngoại khóa, chúng em biết được các biểu hiện xâm hại của kẻ xấu. Ngoài ra, em còn biết những “chỗ riêng tư” trên cơ thể không cho người khác đụng chạm vào để bảo vệ bản thân”.

Cô Đặng Thị Thủy-Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Chu Văn An-cho biết: Hơn 1 năm dạy và học trực tuyến, Liên đội đã linh hoạt dạy kỹ năng cho thiếu nhi theo hình thức online. Sau khi học trực tiếp, việc dạy kỹ năng cho các em được đổi mới hình thức, đa dạng về nội dung. Ở mỗi lứa tuổi sẽ có những kỹ năng khác nhau, những kiến thức về giới tính được giáo viên chuyển tải nhẹ nhàng để các em dễ tiếp thu.

Quan tâm, động viên kịp thời

Để thiếu nhi phát triển toàn diện, ngoài hướng dẫn kỹ năng, các ngành, địa phương còn dành sự quan tâm với những em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. Sáng 10-5, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Đak Đoa đã trao hơn 66 triệu đồng giúp em Chu (lớp 8B, Trường THCS Nguyễn Trãi, xã A Dơk) điều trị căn bệnh ung thư thận.

Tháng 3-2022, em Chu bị ốm và khi khám thì phát hiện mắc bệnh ung thư thận. Dù cố gắng vay mượn song số tiền để tiếp tục điều trị và phẫu thuật cho em vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Nắm được hoàn cảnh, Trường THCS Nguyễn Trãi đã kêu gọi giáo viên và học sinh đóng góp 5 triệu đồng để giúp đỡ em Chu. Đồng thời, nhà trường đã gửi thư nhờ Phòng GD-ĐT huyện kêu gọi học sinh trong toàn huyện chung sức giúp đỡ gia đình em Chu có thêm kinh phí chữa bệnh.

Cầm số tiền do các giáo viên, phụ huynh và học sinh trong toàn huyện đóng góp, bà Joih-mẹ em Chu-xúc động: “Chu đang xạ trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh). Nhờ sự giúp đỡ của mọi người mà gia đình có tiền để chữa trị cho cháu”.

Các em học sinh Trường Tiểu học Sơn Lang (xã Sơn Lang, huyện Kbang) vui mừng khi được nhận xe đạp từ chương trình “Nâng bước đến trường”. Ảnh: Phan Lài
Các em học sinh Trường Tiểu học Sơn Lang (xã Sơn Lang, huyện Kbang) vui mừng khi được nhận xe đạp từ chương trình “Nâng bước đến trường”. Ảnh: Phan Lài

 

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 13 trẻ tử vong do đuối nước, 11 trẻ em bị xâm hại. Đối với các gia đình có trẻ em bị tai nạn thương tích, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các địa phương xuống thăm hỏi, động viên và trích Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ kịp thời. Với trẻ em bị xâm hại, Sở chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương triển khai kế hoạch can thiệp kịp thời nhằm giảm thiểu tổn hại, ổn định tâm lý của trẻ. Ông Phạm Trần Anh-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho hay: “Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện các mô hình phòng-chống tai nạn, thương tích cho thiếu nhi như: “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”. Đồng thời, Sở phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở và các hộ gia đình có trẻ em về kiến thức phòng-chống tai nạn thương tích”.

Vì sự phát triển toàn diện của trẻ

Những năm qua, các ngành, địa phương đã huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo thế hệ măng non như: xây dựng nhà “Khăn quàng đỏ”; tặng xe đạp, sách vở, học bổng; hỗ trợ kịp thời cho thiếu nhi có cha hoặc mẹ tử vong vì Covid-19, trao phương tiện học tập trực tuyến cho các em trong thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19…

Ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-cho biết: Hàng năm, Sở đều ký chương trình phối hợp với Tỉnh Đoàn để tổ chức các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; giáo dục kỹ năng sống; giúp đỡ thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn… Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo các Phòng GD-ĐT quán triệt thực hiện nghiêm túc phong trào thi đua “Xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn”, lồng ghép, tích hợp kiến thức về phòng tránh tai nạn thương tích vào các môn học. Qua đó, trẻ em có một môi trường học tập an toàn, phát triển toàn diện về trí-đức-thể-mỹ-kỹ năng sống.

Ảnh 7: Các em thiếu nhi tham gia trò chơi tập thể tại lớp tập huấn kỹ năng sống “Vượt qua chính mình”. Ảnh Tấn Đại
Các em thiếu nhi tham gia trò chơi tập thể tại lớp tập huấn kỹ năng sống “Vượt qua chính mình”. Ảnh: Tấn Đại

 

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương còn phối hợp tổ chức các diễn đàn, chương trình đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những băn khoăn của các em nhằm tìm cách giải quyết phù hợp. Đặc biệt, Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức chương trình “Tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với trẻ em”, qua đó những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của thiếu nhi đã được các đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo sở, ban, ngành ghi nhận, giải đáp, tháo gỡ. 

Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh-thông tin: Thời gian qua, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo Đoàn-Đội các cấp tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng, huy động nguồn lực xã hội để xây dựng công trình vui chơi cho thiếu niên, nhi đồng vùng sâu, vùng xa. Hội đồng Đội tỉnh cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác Đội để tổ chức hoạt động phù hợp với nhu cầu của thiếu niên, nhi đồng. Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn cũng huy động nguồn lực để trao tặng những phần quà ý nghĩa, động viên các em vươn lên trong học tập... Sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội đã góp phần bảo vệ, tạo điều kiện để thế hệ măng non được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện.

PHAN LÀI